Tháng 3, thêm một ngày ghi nhớ…

Ngày 8 tháng 3: bên Nhật chẳng có khái niệm ngày QT phụ nữ như ở nhà nhưng bạn Pẹt đi làm về vẫn mở cừa vào nhà với nụ cười ấm áp và một bó hoa xinh xắn. Những bông hoa có màu tím nhẹ được mình đem cắm trong cái bình bông cũng màu tím rất ton sur ton làm một góc nhà như bừng sáng…

Ngày 9 tháng 3: khui một chai Champagne rất ngon trong bữa tối tại nhà, kỷ niệm ngày đầu tiên mình mặc áo cô dâu. Đám cưới hồi đó được tổ chức làm 2 ngày. Ngày 9 tiệc tùng xong cô dâu chú rể vẫn ai về nhà nấy. Mình vốn ít uống rượu nhưng có lẽ bồi hồi và champagne rất ngon nên mình uống hơi nhiều. Kết quả là cái đầu phê lâng lâng cho tới khuya…

Ngày 10 tháng 3: ngày làm lễ gia tiên, chính thức giã từ căn phòng nhỏ của mình để lên xe hoa về nhà bạn. Mới ngày nào giờ đã đám cưới pha lê… Bữa tối diễn ra tại một nhà hàng Italy gần nhà với một thực đơn đặc biệt. Các món ăn thật ngon, wine thật nồng, những lời chúc mừng của bạn bè và những kỷ niệm cũ… Cảm giác có ai như vừa…mới cưới!!!

Ngày 11 tháng 3: gần 3h chiều, một cơn chấn động khủng khiếp làm nhà cửa rung lắc dữ dội. Mình bị xô từ bên này qua bên kia, tất cả mọi thứ trong nhà đều lắc, cửa rập ầm ầm, cái bình bông tím trên bàn bị hất tung xuống nước đổ lênh láng, cây đèn phòng ngủ đổ ngã vỡ tan 4 bóng, trong phòng làm việc sách vở rơi sụp xòa xuống sàn cùng cái máy tính bay xuống đất, ở kho chứa đồ các thứ rớt từ trên giá lổng chổng ngổn ngang… Cháy nổ gas tank và nhà máy ngoài cảng làm bùng lên quầng lửa lớn nhìn thấy rõ từ ban công. Cơn hốt hoảng chưa qua, nhà chưa ngừng rung lắc mà trên TV đã thấy hình ảnh về con sóng thần khủng khiếp ập vào bờ tàn phá tan nát và quét theo mọi thứ ra biển cả. Một thảm họa kinh hoàng đã ập xuống vùng miền đông bắc nước Nhật, cách nơi mình đang sống gần 300km…

Tất cả bỗng chốc bị đảo lộn bởi triền miên những âm thanh cảnh báo dư chấn và cơn địa chấn mới phát đi từ TV. Nhà cửa liên tục rung lắc không ngừng cả ngày lẫn đêm lúc mạnh lúc nhẹ. Tin tức trên TV 24/24 không gì khác ngoài hình ảnh vùng thảm họa.

Tháng 3 với mình kể từ đây thêm một ngày ghi nhớ đầy kinh hoàng và đau thương…

2011-3-11 Chiba port

2011-3-11 Chiba port

2011-3-11 Chiba port

2011-3-11 Chiba port

Bánh Trung thu

Vốn dĩ là người không thích đồ ngọt, bánh trái càng không ham. Ở xứ này có biết bao loại bánh mà độ ngon, độ đẹp và độ tinh hoa kỹ xảo của nghệ thuật ẩm thực Nhật bản thấm đẫm trong đó cũng không làm mình lay chuyển cho tới tận lúc này. Có bánh đẹp thì ngắm còn cảm giác sướng hơn ăn, còn nếu ăn cũng chỉ là để thưởng thức chút chút cho biết, chứ mà bảo xơi nhiều xơi thường xuyên thì…lạy cả nón.

Trung thu mỗi năm chỉ có một mùa làm bánh nên bánh Trung thu mình lại càng ít ăn. Rằm Trung thu nếu không có cặp bánh nướng bánh dẻo thì thiếu không khí, mà có thì cầm chắc sẽ lay lứt mãi không hết. Cắt ra một miếng nhỏ xíu cũng phải chiêu hết mấy tách trà mới xong. Nghĩ từ bản thân mới thấy những người làm sếp ở nhà thật “khổ nạn” bởi hàng năm cứ tới dịp này họ phải nhận biết bao nhiêu là bánh biếu. No dồn đói ép, dù chăng cả nhà có toàn người hảo ngọt đi nữa thì trong một thời gian ngắn xơi cách nào cho hết được hở giời? Tết Trung thu tưởng đâu là dành cho thiếu nhi rước đèn, phá cỗ, trông trăng như hồi mình còn nhỏ, nhưng giờ ngày càng bị người lớn giành hết “sân chơi”. Bánh Trung thu bởi vậy mới được đem ra dát vàng…

Bánh Trung thu - Moon cake

Hồi tuổi còn trẻ còn ham vui, cũng rủ mấy đứa bạn hàng xóm ngang tuổi sang nhà bày đặt làm bánh dẻo. Bột nếp chín thì lên phố Ngõ Gạch rước về, khuôn bánh bạn mượn đâu đó mang qua. Thế là bày ra giữa nhà cả một mâm la liệt nào nước đường quyện mùi hoa bưởi, nhân đậu xanh xào dừa sợi dẻo queo, rồi trộn rồi nhào, rồi ép khuôn, đập gõ ầm ĩ, bột bay trắng xóa, tay chân dính tèm lem… Hì hục cả buổi, hết dính khuôn lại vỡ bánh, lòi nhân, mãi rồi cuối cùng cũng ra thành phẩm là những cái bánh dẻo trắng muốt lành lặn. Nhưng đến lúc đó thì chỉ để mà hỉ hả với nhau và đọ xem đứa nào ép khuôn bánh đẹp hơn thôi chứ chả còn xơi được nữa, vừa làm vừa nếm náp đã ngán tới tận thượng đỉnh cơ quan đầu não rồi.

Bánh Trung thu - Moon cake

Hộp bánh Trung thu của Brodard Bakery Vietnam năm nay (2010)

Làm bánh trung thu chỉ còn là kỷ niệm xa tít mù khơi và chỉ làm bánh dẻo chứ tuyệt chưa bao giờ làm bánh nướng. Sau này càng lớn già càng không hảo ngọt nên chẳng làm gì nữa. Rằm Trung thu thì đã sẵn có bánh ở bên nhà gửi qua hoặc bạn bè đi qua về lại làm quà tặng. Ít ăn nên một chiếc thôi cũng là đủ và quý lắm rồi.

Vậy mà dịp Trung thu năm nay mình có tới 7 cái lận. Lần đầu nhận được bánh hiệu Như Lan từ Saigon và bánh làm gửi từ Pháp. Ít ngày sau một người bạn ở Saigon bay sang lại mang tặng 1 hộp bánh hiệu Brodard Bakery Vietnam nữa. Hộp bánh Brodard nhìn khá đẹp, từng chiếc bánh bên trong cũng sắc nét và hấp dẫn với 4 vị khác nhau, đóng gói quy chuẩn chuyên nghiệp. Bánh Như Lan thì khác, bên ngoài hộp in rõ “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, bánh nhìn cũng to tát nhưng được đóng trong lớp nhựa mỏng dập ghim rất thủ công. Thời hạn bánh còn khá nhưng vỏ bánh dẻo đã không còn dẻo và đậm mùi thơm kiểu hương liệu. Thành phần nhân bánh có vi cá gà quay gì gì đó nhưng ăn không nổi. Bạn Pẹt vốn thích ăn bánh ngọt là thế mà còn ớn. Kết quả là, ngoài bánh đã lỡ mang đi mời bạn bè, còn lại thì vào gọn thùng rác, tạm biệt Như Lan. Còn bánh Trung thu làm ở Pháp, so với bánh Trung thu làm ở Saigon, thì có kích cỡ nhỏ xinh hơn, hình thức và hương vị giống kiểu bánh truyền thống hơn. Tiếc là khi nhớ ra chụp hình thì bạn Pẹt đã rả rích giải tỏa mất gần nửa cái rồi…

Bánh Trung thu - Moon cake

Bánh nướng Brodard Bakery Vietnam

Năm nay các cụ Thổ công, Thổ địa, Táo quân… cùng các cụ tàng hình khác ở nhà mình đã được thưởng thức bánh Trung thu hẳn 2 lần vì trước rằm một tuần nhận được bánh mình đã đem thắp hương mời các cụ. Đúng rằm nhận được bánh nữa lại dâng các cụ nữa. Không rõ các cụ thần linh Nhật bổn chính hiệu có “hợp” với hương vị bánh Trung thu Vietnam không nhỉ? 😀

Bánh Trung thu - Moon cake

Chứ người trần mắt thịt sờ sờ chính hiệu Vietnam là mình đây thì ưa loại bánh dẻo chay không nhân mới làm xong còn thật mềm và thoảng dịu mùi hương hoa bưởi, có thể gọi là hương vị mộc mạc nghèo nàn hê hê… Hồi chưa đi lấy chồng, có nhà bác hàng xóm làm bánh dẻo rất ngon chỉ bán vào dịp Trung thu, mình toàn sang nhà bác đặt bánh dẻo theo yêu cầu: không nhân và thật ít ngọt. Còn về khẩu vị bánh nướng thì dễ ăn hơn cả là bánh nhân đậu xanh có dừa, có dứa (như kiểu đã từng ăn tại Teipei ngon dẻo nhớ đời) hay có sầu riêng (chủ yếu vì thích sầu riêng) chứ sợ nhất cái thứ bánh nhân thập cẩm mứt bí, hạt dưa, thịt mỡ, sau này có thêm xá xíu, gà quay, bào ngư, vi cá, yến sào cùng các thứ hầm bà lằng khác trong đó. Ngược lại bố mẹ mình thì lại rất thích bánh nhân thập cẩm, mà lại phải đúng kiểu Bắc truyền thống có vị lá chanh nữa cơ, thật là bái phục!

Bánh Trung thu - Moon cake

Hình trên là bánh Brodard nhân đậu xanh, sầu riêng, có lòng đỏ trứng, dù mình không ăn được nhiều nhưng phải công nhận là ngon, vừa đẹp vừa ngon. Mới xử lý thêm cái nhân thập cẩm, bạn Pẹt tấm tắc khen ngon. Chờ ngày mai ngày mốt xử nốt 2 cái còn lại để chốt kết luận một thể. Tình hình này năm sau phải chỉ định nhờ mua/gửi/xin đích danh bánh Brodard mất bởi thấy thương hiệu này đạt tiêu chuẩn cả về hình thức và chất lượng theo nhật xét của mình. Và lại không bị dát vàng…

Mơ…Nam Cao

Lúc còn ở nhà, nói đến trái mơ thì mình chỉ biết có ô mai mơ và mơ ngâm làm đồ uống mùa hè. Ô mai mơ thì thỉnh thoảng mua sẵn, còn nước mơ thì năm nào mẹ cũng ngâm cả bình vĩ đại uống liên thông từ hè năm nay qua hè năm sau để chờ mùa mơ mới. Khi mua mơ, mẹ thường chọn mơ tươi Chùa Hương chín vàng thơm nức rồi ngâm với đường cát để thành nước sirô mơ vàng óng, làm đồ giải khát mùa hè. Mơ Việt nam trái chỉ be bé xinh xinh và các sản phẩm chế biến từ mơ dường như cũng không phong phú lắm.

Mơ

Nhưng khi qua đây thì ngược lại, thấy các chế phẩm từ mơ rất phong phú và được sử dụng tuốt cả mơ xanh lẫn mơ chín. Ở Nhật có nhiều tỉnh trồng mơ, nhưng nổi tiếng nhất với loại trái to, dày cùi và hạt nhỏ chỉ là thương hiệu mơ Nam Cao (南高梅/Nankou-ume) của tỉnh Wakayama, vùng đất ven biển phía đông nam nước Nhật. Mơ ở đây có sản lượng 60 ngàn tấn/năm, chiếm tới 60% sản lượng mơ toàn quốc. Các công đoạn trồng trọt chăm sóc rất kỹ thuật và cẩn thận để khi thu hoạch, trái mơ đến tay người tiêu dùng vẫn tròn trịa tươi nguyên.

Mơ Nhật Bản
Hình trên homepage của tỉnh Wakayama

Mơ có lẽ được phân loại theo size từ S, M tới 4L, nhưng các tiệm quanh nhà mình thường chỉ thấy bán loại từ 2L~4L mà thôi. Giá 1 ký lô mơ Nam Cao cũng gấp từ 3~5 lần các loại mơ khác, cũng phải thôi, tiền nào của ý mà. Khi còn ương, trái mơ đã có vân đỏ rất đẹp, mùi mơ thơm lựng cùng màu sắc hấp dẫn ấy đã đủ khiến muốn mua về rồi. Mơ xanh được ngâm làm rượu mơ, giấm mơ, sirô mơ hoặc để chiết xuất các tinh chất trong trái mơ sử dụng như dược phẩm bổ sung cho sức khỏe. Còn mơ chín được ngâm thành ume juice nhưng chủ yếu vẫn để làm mơ muối (梅干し) ăn quanh năm là chính bởi người Nhật dùng mơ muối trong ẩm thực rất nhiều. Mơ muối hầu như có chung cách làm nhưng các thành phần cho vào muối cùng mơ thì khác nhau như tía tô đỏ, rong biển, vị cá, mật ong v.v… song thông dụng nhất vẫn là cho lá tía tô đỏ. Khi đó trái mơ muối quyện với màu tía tô sẽ cho sản phẩm có màu đỏ đẹp.

kobusara sisosara
Hình trên trang http://www.yamani-ltd.co.jp

Người Nhật ăn mơ muối hàng ngày thường xuyên như người mình ăn cà muối vậy. Tuy nhiên cà muối thì chỉ hoặc là ăn muối xổi, muối nén hoặc làm cà dầm tương, dầm mắm, dầm nước chấm chứ mơ muối ở đây thì dùng vào vô số món. Nào đem kho cá, cho vào salad dressing, cho vào canh soup, nấu cùng với cơm hay làm cơm nắm, cho vào cháo trắng, nhân bánh, dùng làm gia vị ướp thức ăn hoặc sấy khô tán nhỏ cho vào đồ ăn khô, làm mơ ngọt, làm omai v.v… thậm chí chả cần cho vào món nào mà cho thẳng luôn vào miệng như một món quà vặt uống trà bữa xế. Ăn kiểu vậy, nếu là mơ muối không thì sẽ chua rùng mình vãi cả nước mắt nhưng người Nhật rất thích, còn nếu là loại mơ muối có mật ong hay đường phèn hoặc khô như ômai xí muội thì ngọt hơn mình thích hơn.

Lạ cái là bạn Pẹt nhà mình cứ như không phải người Nhật, ai ăn thì ăn chứ rất khó mời bạn ý động tới món mơ muối nguyên chất này. Mình thì tuy cũng sợ chua không thích ăn mơ muối với cháo trắng hay với cơm nắm như các bạn Nhật nhưng nấu canh chua hay kho cá, làm sauce đồ ăn hoặc salad dressing thì rất thường làm. Ăn tô mì, bún, cho 1-2 trái mơ muối cũng chua chua đậm đà ngon không kém. Mình hay ăn kiểu thế nên cứ mỗi mùa mơ, nếu vợ he hé ý định làm mơ muối là bạn toàn gàn, kêu mua sẵn cho đỡ mất công. Chắc sợ vợ muối ra nhiều lại bắt ăn thì chết! Nhưng nếu bảo đi mua mơ về ngâm làm đồ uống thì bạn nhiệt tình ủng hộ chẳng thấy đả động tới mất công xá gì. Hảo ngọt mà…

Mơ – bạn đường của sức khỏe và sắc đẹp“, ấy là báo nói chứ không phải lang băm mình nghĩ ra nên lại mơ, mơ giữa ban ngày, mơ…Nam Cao cho khỏe cho đẹp hơn Thị Nở xưa… 😀

Mơ xanh và Mơ chín

Mơ xanh Mơ xanh
Mơ chín Mơ chín

Nguyên tắc sơ chế mơ trước khi ngâm là luôn chọn mơ tươi, không nẫu dập, đảm bảo mơ được lấy hết núm trái, rửa sạch sẽ và để khô ráo nước. Cẩn thận hơn thì sau khi rửa có thể ngâm mơ trong nước muối nhạt vài phút cho yên tâm, nhưng với mơ ở đây thì mình toàn bỏ qua khâu này.

* Làm sirô mơ

Món này là đơn giản nhất, nếu làm theo kiểu VN thì chỉ cần mơ chín và đường cát, tính theo tỉ lệ cứ 1kg mơ với 1kg đường, xếp 1 lớp mơ 1 lớp đường, ngâm từ nửa tháng trở ra là dùng được.

Mơ ngâm Mơ ngâm
Mơ ngâm Mơ ngâm Mơ ngâm

Còn làm theo kiểu Nhật thì có thể thay thế đường cát bằng đường phèn hoặc mật ong và có cho thêm chút rượu trắng 35độ để siro mơ thêm phần nồng nàn lơ mơ… Tỷ lệ cho cách ngâm kiểu Nhật là 1kg mơ + 1 kg đương phèn (hoặc 800ml mật ong) + 200ml rượu trắng 35 độ. Thời gian ngâm: 20 ngày~1 tháng là dùng ngon.

Đường phèn

* Làm nước mơ muối đường kiểu VN

Thành phần gồm có mơ chín, đường cát và muối tinh, ngâm theo tỉ lệ 1kg mơ + 1kg đường + 100~300g muối tùy khẩu vị muốn uống mặn ít hay nhiều. Thời gian ngâm khoảng 20 ngày trở ra là dùng được, khi uống pha với nước và đá. Mùa hè đồ uống có thêm chút muối sẽ rất tốt, nhưng không nên cho mặn quá kẻo tác dụng ngược vì huyết áp cao, hại thận.

Mơ ngâm

* Làm giấm mơ (Umesu drink) kiểu Nhật

Giấm mơ này là đồ uống rất tốt cho sức khỏe theo quan niệm người Nhật. Thành phần gồm có mơ (xanh hoặc chín), đường phèn và dấm táo. Tỷ lệ cũng linh hoạt tùy theo khẩu vị:
+ Mơ 1kg + đường phèn 1kg + dấm táo 200ml -> khi uống chỉ cần bỏ đá
+ Mơ 1kg + đường phèn 1kg + dấm táo 800ml -> khi uống pha thêm nước và đá

Mơ chín Đường phèn
Mơ ngâm Mơ ngâm

* Làm rượu mơ (Umeshu) kiểu Nhật

Thành phần gồm có: mơ xanh, đường phèn hoặc mật ong, rượu trắng 35độ ngâm theo tỉ lệ 1kg mơ + 1 kg đường phèn (hoặc 800ml mật ong) + 1,8 lit rượu trắng 35 độ (sochu). Thời gian ngâm khoảng 1 tháng. Lưu ý rượu mơ kiểu Nhật chỉ nên làm bằng mơ xanh, phải xanh lè ra ý.

Theo giải thích của người Nhật mà có lần mình đã đọc được ở đâu đó thì mơ xanh có chất citric acid (クエン酸/kuen-san) nên dễ chiết ra hết tinh chất quả mơ (梅肉エキス/ume-niku ekisu) và sau khi ngâm quả mơ vẫn còn giữ được gần nguyên dạng. Còn dùng mơ chín thì thơm nhưng lúc này chất acid lại là malic acid (リンゴ酸/ringo-san) giống như trong trái táo nên nước mơ dùng như nước giải khát và sau khi ngâm mơ chín dễ bị nhuyễn vỡ.

Chịu khó mơ các kiểu mà không biết liệu rồi có được đẹp như…mơ không hay chỉ toàn bổ béo làm đẹp cho bạn Pẹt 😀

Mơ ngâm

Sấu đầu mùa

Bạn Pẹt về, mang theo ăm ắp những món quà mẹ gửi.
Mình toàn thích những thứ lẩm cẩm vậy mà mẹ vẫn gửi cho đầy đủ theo cái sự lẩm cẩm của mình.

Quà quê.
Những món quà tuy giản dị nhưng khi sống xa thì chỉ cần nhìn thấy nó thôi là đã cảm nhận được hơi thở Hà Nội ngay bên mình, cảm giác như nghe được cả tiếng lá rơi xào xạc, cảm giác được tiếng bánh xe lăn hay tiếng bước chân trên lớp lá phủ mặt đường ràn rạt, cảm giác như đang chạm vào những kỷ niệm tuổi thơ giờ đã xa…

Sấu xanh

Món quà ấy người ta gọi là Sấu. Thì đúng là nó đâu có…xinh, không “xinh” mà xa Hà Nội nó vẫn làm người ta nhớ. Nhớ cả từ những ngày mới đầu hè đi học trên Cung văn hóa thiếu nhi về, đạp chiếc xe mini bon bon trên đường Trần Hưng Đạo sum suê hai hàng sấu. Trưa vắng, đường cũng vắng, đâu có nườm nượp xe cộ như bây giờ. Chợt thấy đám người đang trèo sấu bèn chầm chậm dừng xe để coi chừng lỡ trái sấu rớt trúng đầu và rụt rè xin những trái sấu rơi. Niềm vui trẻ con, chỉ vài trái thế thôi đi về cũng hớn hở như là “thu hoạch” được món gì quý báu lắm.

Sấu

Sấu xanh chấm muối ớt, mới nghĩ tới đã ứa nước miếng nhưng một miếng thì ngon, hai miếng thì phải nhắm tịt cả mắt, miếng thứ ba thì ghê hết cả răng và mặt mũi cũng trở nên xấu vì sấu. Mình vốn không ăn được đồ chua nên món này không phải là sở trường. Chờ khi có sấu chín, những trái sấu vàng ươm được gọt vỏ và cắt xoáy hình chôn ốc, đem trộn với muối ớt thì không tài nào cưỡng lại được đâu. Hẳn là không có thiếu nữ nào lớn lên ở Hà Nội mà không từng túm tụm bạn bè chia nhau những trái sấu chín…

Vị sấu cứ thế theo mình lớn lên, nó dân giã hầu như không nhà nào không dùng mỗi khi mùa sấu về. Sấu ở chợ nào cũng sẵn, cũng rẻ, thậm chí đi chợ, người bán hàng nếu thiều tiền lẻ thì còn giúi cho vài quả thay cho tiền thối lại. Sấu xanh mua về giầm nước rau muống luộc, đun nhừ giầm nước chấm hay nấu tô canh chua… làm bữa cơm hè nóng nực như dịu lại. Sấu ngâm nấu thành nước giải khát, vị chua chua, ngọt ngọt, đậm đà xíu muối, mát lạnh và thơm mùi gừng, uống đến đâu đã khát đến đó. Sấu làm ô mai hay xào gừng là những món quà đặc sản riêng Hà Nội mới có để gửi tặng cho khắp bạn bè phương xa. Có mê mẩn nhấm nháp ô mai sấu là thế nhưng hễ nếu chợt nghe ai đó gần xa cái gì mà “ô mai sấu cuối lọ” lại “nhạy cảm” giật mình ơ… ở đâu cuối lọ chứ nhất định đây không cuối lọ á 😀

Cứ nói ví thế thật là oan cho Sấu. Sấu nhưng duyên lại…sâu, không thế thì tại sao người Hà Nội đi xa lại luôn nhớ vị sấu mỗi khi hè về…

Sấu đông lạnh

Sấu mẹ gửi, bớt lại vài trái để nấu ăn ngay, còn đâu được rửa sạch lau khô xếp gọn gàng vào hộp cất trong tủ đá. Quà quê, để dành dùng dần cho những bữa cơm ở nơi xa xứ không bị thiếu vắng vị quê. Và để những khi Hà nội vào đêm trở gió luôn có người sớt chia nỗi “cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng” bởi luôn mang theo trong ký ức của mình hình ảnh thảm lá sấu rụng vàng rực mặt đường…

Ngan om sấu ăn với bún thật tuyệt, nhem nhem…
Cách này mình học được từ chồng một cô bạn rất thân sau những lần về Hanoi và tới nhà bạn ăn cơm. Chồng bạn đã tự tay đãi khách những bữa cơm đầy ấn tượng bởi anh thích nấu nướng, làm món ăn tuyệt ngon và bày biện đẹp có khi còn hơn nhà hàng, dù đây chỉ là sở thích tay trái (sở trường tay phải cũng không kém, ai đã biết đều phải gật gù). Tới nhà bạn ăn cơm mình còn thấy thích hơn đi nhà hàng bởi món ăn vừa ngon, vừa đẹp, món ăn kiểu gì bát đĩa sẽ đi đồng bộ phong thái đó rất có thẩm mỹ, không khí ấm cúng, thoải mái, thân tình…

Ngan om sấu

– Ngan chặt miếng vừa ăn (có thể rút bớt xương) cho gia vị muối tiêu, chút đường và hành tím cho thơm ướp 1-2 tiếng cho thịt thật thấm. Bắc chảo dầu làm nóng, phi thơm hành tỏi bằm nhỏ và cho thịt vào xào chừng 15′ rồi cho nước vào với một lượng đủ ăn hầm trong 20′. Mình thường cho nước dừa tươi hoặc lon, ăn rất ngon
– Sấu cạo vỏ, rửa sạch cho vào nồi canh (tùy thích ăn chua mà lượng sấu cho đủ, với 1 con ngan vừa vừa mình thường cho 10-12 trái) đun một chút rồi tắt lửa, để om thế trên bếp chừng 30′.
– Trước khi ăn đun sôi lại, lúc này mới giầm sấu cho nhuyễn, lựa bỏ hạt, nêm nếm lại đậm đà vừa ăn. Nếu thích sánh thì hòa chút bột năng vừa đủ làm nước om hơi sánh rồi ăn nóng với bún. (Mình thì không cho thêm bột năng vì nấu xong đã thấy nước sanh sánh rồi, chắc tại hầm ít nước).

Ngan om sấu

« Older entries