Mùa trái anh đào

Trái anh đào Nhật gọi là “Sakuranbo”, nhưng cây hoa anh đào Nhật – sakura, một trong những hình ảnh đặc trưng về nước Nhật được cả thế giới biết tới, thì lại không cho quả sakuranbo dù trong tiếng Việt đều có chung cái tên là “anh đào”. Khác với màu tím đỏ sẫm của trái anh đào Tây, Mỹ, sakuranbo Nhật có màu đỏ như màu hồng ngọc và đây cũng là loại trái cây khá đắt đỏ bởi trồng trọt và bảo quản cũng lắm công phu nên được người Nhật coi là “Ruby mùa hạ” vì mùa sakuranbo thường rộ vào các tháng đầu hè.

Sakuranbo, trái anh đào Nhật bản

Sakuranbo, trái anh đào Nhật bản. Hình: ThiendiepMai

Tỉnh Yamanashi, nơi có một phần giáp ranh với Tokyo, được coi là vùng cung cấp chính nhiều loại trái cây ngon trong nội địa Nhật, đặc biệt là anh đào, dâu, nho, đào, hồng v.v… Yamanashi có nhiệt độ chênh lệch khá nhiều giữa mùa đông-mùa hè và các thời điểm ban ngày-ban đêm nên rất thích hợp trồng các loại cây trái này. Cứ đến mỗi vụ trái cây, các nông trại thường cho phép khách du lịch mua vé vào tham quan và có thể ăn no nê trái cây tại vườn trong một thời gian nhất định theo quy ước của từng nông trại. Ở Yamanashi, chỉ riêng thành phố Minami-Arupuzu (tạm dịch là “Nam Alps”, thành phố này lấy tên theo dãy núi Alps ở châu Âu) đã có tới 300 nông trại trồng sakuranbo và chỉ tính từ tháng 5 tới cuối tháng 6 này, đã có chừng 100 ngàn người tới đây để tham quan và thưởng thức trái cây. Báo Yomiuri cho rằng, lý do để một lượng lớn khách đổ về đây vào dịp này nhiều như vậy là do kinh tế Nhật đi xuống, người dân cắt giảm các chuyến du lịch xa và chọn đi du lịch gần tới các vùng nông trại trồng cây trái vì các tiêu chí gần-rẻ-an toàn. Theo các bác nông dân ở đây thì, khi kinh tế Nhật đang thịnh vượng, khách tới đây sau khi thưởng thức thoải mái còn thường mua khá nhiều trái cây đặc sản về làm quà cho gia đình, người thân, bạn bè. Nhưng nay kinh tế khó khăn hơn, khách chỉ tới tham quan và ăn trái “thật no” tại vườn chứ không mua về làm quà nhiều như trước. Nghe các bác nông dân phàn nàn thế cũng thấy tội, tội nghiệp cho người trồng và tội lỗi cho cả khách chót…tham ăn… hehe… :mrgreen:

Hình một hộp quà trên asakawa-nouen.com

Hình mẫu một hộp quà Yamanashi sakuranbo (asakawa-nouen.com)

Nông nỗi nào ra thế? Đã là Ruby thì dĩ nhiên phải đắt rồi, không thì có mà là ngọc rởm. Thế nên giá của “ruby mùa hạ” so với giá anh đào nhập từ Mỹ cũng tựa như giá mua…ruby và anh đào. Vào mùa rộ, một hộp anh đào Mỹ bán ở đây chỉ chừng vài trăm yên, nhưng một hộp sakuranbo khoảng 300~500g mua ngay ở nơi trồng giá đã là vài ngàn yên. Ngoài ra nếu mua làm quà thì còn tùy vào chất liệu hộp (bìa giấy, gỗ thường, gỗ quý), tùy loại và kích cỡ trái, tùy cách lựa xếp tỉ mỉ đẹp đẽ từng trái một khi đóng gói mà giá có khi trên dưới chục ngàn yên một hộp. Do đó “ruby mùa hạ” luôn được xếp vào danh mục quà biếu cao cấp ở Nhật, cao cấp từ cái hộp đựng trở đi… Trong lúc kinh tế đi xuống, với giá bán “ằng ặc” thế này thì khách du lịch chỉ tới chơi, ăn trái cho đã rồi về mà giảm hẳn việc mua làm quà là điều có thể hiểu được.

Hình: ThiendiepMai

Hình: ThiendiepMai

Trào lưu khó khăn chung, giá mọi thứ đầu vào đều tăng, khách đã giảm mua thì chớ, thị trường sakuranbo giờ lại còn nhiều cạnh tranh, đòi hỏi ngon nhưng phải rẻ và được trồng hữu cơ thật an toàn (kiểu như thừa thắng xông lên hihi…). Nếu nông trại nào hội tụ đủ các tiêu chí này thì cạnh tranh mới lại được. Và thế là các bác nông dân ở Yamanashi giờ không chỉ bán nông sản, bán trái cây, bán sakuranbo mà còn bán cả…than rằng “Sakuranbo thì cho trái thật ngọt, còn môi trường làm ăn thì ngày càng…chua” 😀 Đâu phải ngẫu nhiên mà mục “Tabemono gatari” (食べものがたり- Food story) chuyên giới thiệu về các sản vật trên tờ báo Yomuri sáng chủ nhật hàng tuần đã đặt tít cho bài viết về sakuranbo sáng nay là “Sui mo Amai mo mi ni yadoshi” (酸いも甘いも実に宿し) tạm hiểu là “Cả chua, cả ngọt đều ngấm cả trong trái” vì rõ ràng sakuranbo Nhật ăn ngọt lịm kia mà…

Thương ví tiền của người mua mà cũng thương các bác nông dân vất vả trồng ra sakuranbo quá. Được cái phải công nhận đúng là tiền nào của nấy, ăn ủng hộ tinh thần các bác nông dân Yamanashi nào…

Tay ải tay ai… tay ẻm tay em… Tay ải tay ai… tay ảnh tay anh… Rút cục là tay ai?