Quảng Trị – DMZ tour (2)

Phần 1

Bãi biển Cửa Tùng khá vắng vẻ, con đường chạy dọc bãi biển đang được sửa sang và trồng cây cảnh nên nhiều đoạn còn ngổn ngang gạch cát. Hai bên đường, một bên là biển, một bên là cả loạt dãy nhà hàng “lộ thiên” nằm san sát nhau, bàn ghế kê ngay ngắn ngoài hè nhưng hầu như không thấy khách. Cuối tháng 8, có thể mùa tắm biển đã hết và trẻ con đã bắt đầu phải tới trường nên khách không tới nhiều nữa, mà cũng có thể là do đoạn đường này còn sửa, lại đang là giữa trưa nên khách đi tránh nắng đâu đó. Xe mình chạy vào tới đâu, người của các nhà hàng ùa ra tới đó thi nhau vẫy. Chọn một nhà hàng nhìn ra biển, rộng rãi khang trang và khá sạch sẽ có tên là Soa Lê, anh lái xe dừng lại. Chị chủ tiệm với mái tóc cặp gọn phía sau trông chất phác giản dị như cán bộ phụ nữ xã niềm nở ra đón khách. Quạt cây giờ mới được bật lên vì chị bảo khách vắng phải tắt hết tiết kiệm điện. Khách được hướng dẫn ra bồn rửa mặt và ra bể nuôi hải sản để chọn lựa cho nhà bếp vợt lên làm tại chỗ. Vì không có nhiều thời gian ngồi lâu nên mọi người nhất trí gọi bữa trưa nhanh gọn gồm tôm sú hấp, mực tươi xào, cá kho tộ, rau muống xào tỏi, tô canh và cơm trắng. Anh lái xe nói chạy đường dài buổi trưa ít khi dùng cơm nên chỉ muốn ăn một tô mì tôm mực.

Một chốc các món được mang ra nóng sốt, tôm sú rất to và ngọt lịm, chấm muối tiêu chanh ngon tuyệt, mực xào mềm, ngọt và thơm, rau muống xào khá ngon nhưng nhiều cọng hơi cứng có lẽ do quá tay lấy cả phần bị già. Đặc biệt gạo ở đây cực kỳ ngon, hạt dài, không trắng muốt nhưng lại dẻo và thơm ngọt. Mình tưởng gạo Thái nhưng chị chủ tiệm bảo gạo Việt 100% rồi nói cái tên gì đó mà anh lái xe rất gật gù. Trong khi khách ăn, chị ngồi bàn bên nhỏ nhẹ tiếp chuyện thân tình như người nhà. Nghe chị và anh lái xe nói chuyện, đôi khi không hiểu hết được bởi ngữ điệu vùng Quảng Trị và Huế hơi khó nghe và nhiều từ địa phương mình không biết nghĩa. Đầu tiên còn dám khẽ hỏi lại, sau thì vì sợ thất lễ nên cứ nghe đoạn được đoạn không. Mình còn thế thì bạn Pẹt chịu hẳn rồi, thỉnh thoảng cười phụ họa một tí thế thôi…

Chợt nhận ra tô mì của anh lái xe chỉ toàn là mực mà chẳng có con tôm nào, nhớ rõ ràng đã gọi mì tôm mực đấy chứ. Thì ra “mì tôm mực” với mình thì nghĩ là mì có tôm và mực còn với chị chủ tiệm thì lại là mì tôm = mì ăn liền có bỏ thêm mực. Hehe… nói tiếng Việt hẳn hoi nhé, mì-tôm-mực vẫn là mì tôm-mực không sai nhé… mọi người cùng cười òa vui vẻ. Bữa trưa các món đều ngon duy có cá kho thì không phải là kho tộ như nhà mình vẫn ăn mà là kho theo kiểu miền Trung vừa mặn vừa cay ơi là cay. Hai người miền Trung đều cho rằng thế mới “đưa cơm” theo đúng vị người Trung nhưng với nhà mình thì mặn quá và cay quá, dù đã được nhà bếp giảm bớt ớt, nhưng hai bạn vẫn hầu như không dám dùng.

Cơm xong, nhâm nhi chén trà nóng, chị chủ tiệm hỏi thăm mình chắc mới lập gia đình, mình nói đã được xx năm thì chị bảo chắc mình lấy chồng sớm. “26 tuổi suýt ế mới lấy chồng còn sớm sao chị”, chị tròn mắt ngạc nhiên vì từ nãy chị nghĩ mình chỉ khoảng 28 tuổi. Trùi ui, có thật không chị, nếu chị nghĩ thế thật thì đây là “món tráng miệng” ngon nhất của bữa trưa nay đấy ạ 😀 Hỏi ra mình chỉ kém chị có 3 tuổi, có lẽ cái thời tiết khắc nghiệt của miền Trung, cái vất vả của người phải lo toan công việc nhà hàng suốt 15 năm qua đã khiến chị già hơn nhiều dù chỉ mới qua tuổi 40. Tuy vậy chị rất đôn hậu và dễ mến, các ông bà chủ tiệm “cháo chửi, bún quát, phở lườm” nổi tiếng ngoài đất Hà Thành ngàn năm văn vật kia còn lâu mới có được phong thái và nét đẹp bình dị này của chị. Phải thế này khách mới còn muốn tìm đến lại nhà hàng lần sau. Mua thêm vài lon nước mang đi, bữa trưa cả thảy chỉ là gần 300,000 đồng, rất ngon miệng và vui vẻ bên bở biển xanh rì rào sóng, chỉ tội nóng… ặc ặc… nóng lắm…

Một rưỡi chiều xe lại lên đường. Điểm đến tiếp theo là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nằm cạnh đường quốc lộ 15. Giờ này QL1A cũng vắng xe nên đường rộng thênh thang, rẽ vào đường HCM thì còn thưa thớt hơn nữa. Đường HCM trải nhựa mượt như lụa, lúc quanh co, lúc lên dốc xuống dốc, khá rộng và đẹp. Hai bên đường hầu như không có hàng quán, đoạn thì xanh rì cây cối, đoạn đang được xây dựng hở ra đất trọc đỏ quạch, thỉnh thoảng có những con đường nhánh rẽ vào khu dân cư hay nối thông sang đường khác. Đường đẹp thế này mà những gì gặp trên đường chỉ là cây cối, cột mốc chỉ giới đường, biển báo giao thông, trâu bò lững thững và một vài người dân tộc mặc váy đeo gùi đi bộ ven đường, lâu lâu mới gặp ô tô và người đi xe đạp, xe máy. Rất ít xe chạy, hình như các xe chạy ngoài QL1A tiện hơn. “Chạy đường này ngon thật nhưng nhỡ ra lủng cái lốp thì gay go lắm, ngoài QL1A thì còn có tiệm mà ghé làm lốp…“, có lẽ đây cũng là một trong các lý do để anh lái xe từ chối ngay từ đầu chạy lượt đi toàn bằng đường HCM.

Quảng Trị Quảng Trị Quảng Trị Quảng Trị
Quốc lộ 1A, đường HCM và quốc lộ 15…

Năm 2009 này là kỷ niệm 50 năm ngày mở Đường HCM. “Hệ thống đường mòn HCM được trải dài trên khắp khu vực phía Tây các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, trong đó trung tâm đầu mối cũng như điểm xuất phát đầu tiên tập trung chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình. Đây cũng là nơi ác liệt nhất, nơi thể hiện trí thông minh và lòng dũng cảm của hàng vạn bộ đội, chiến sĩ thanh niên xung phong… 50 năm đã đi qua nhưng những ký ức về con đường mòn HCM không mờ phai trong nhiều thế hệ người Việt Nam để huyền thoại xưa tiếp thêm sức mạnh cho hôm nay, để đường Trường Sơn xưa đang trở thành đường HCM to đẹp và hiện đại. Gần ba ngàn ngày đêm của 8 năm đằng đẵng, hàng ngàn, hàng vạn lượt công nhân, kỹ sư không quản nắng, gió Trường Sơn, đổ biết bao mồ hôi, xương máu để phá đá, mở rừng nối thông đường HCM”. Đường HCM mới sẽ chạy qua 30 tỉnh thành và mang sứ mệnh phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như để phát triển khu vực kinh tế phía tây tổ quốc… v.v và v.v… mình đã đọc và xem hình bạn Pẹt chụp ở chuyến trước từ trước khi đi và vì thế càng muốn được tận mắt ngắm nhìn. Nhưng quả thực đường mở ra mà vẫn còn thiếu hẳn các điều kiện và dịch vụ tiện ích cho người đi đường thế này thì đúng là muốn đi “ủng hộ cho phát triển kinh tế” cũng ngại, lỡ xe hỏng thì mình chịu chết trước chứ biết alô xe cứu hộ ở đâu giữa vùng rừng núi vắng vẻ này…

Đang nắng chang chang thế mà đã thấy trời sầm sập cơn mưa phía trước, con đường trở nên âm u tối sầm. Rồi thoắt cái lại thấy cơn mưa chỉ còn ở đằng sau, đường lại nắng chói chang, rồi một quãng cơn mưa lại hiện ra bên hông xe với quãng mây quãng nắng… chẳng biết đường nào mà lần để xem liệu có gặp cơn mưa lớn giữa đường. Anh lái xe nói trông trời thế thôi chứ cứ chạy kiểu vòng vèo này chưa chắc đã gặp mưa, nhưng mình thì lại mong mưa xuống cho mát, ngồi trên xe thì đỡ chứ thò ra khỏi xe là nóng nực lắm rồi. Khi tới cổng nghĩa trang thì đường ở đây đã ướt dù trời vẫn nắng. Xe qua cổng chạy vào tới khu mộ Thái Bình Nam Định, vừa ra khỏi xe thì mưa ào xuống như trút nước, chi kịp trú vôi vào nơi thắp hương chung của khu này.

Quảng Trị Quảng trị Quảng Trị Quảng trị Quảng Trị

Trời đang nắng nóng gặp mưa xuống, không khí bốc lên một mùi nồng nồng ngai ngái rất mạnh. Trên bàn thờ chung, đàn kiến đen tha trứng bò từ dưới đất lên thành dòng đen kịt. Lâu lắm rồi không thấy cảnh kiến chạy mưa, nhớ hồi nhỏ mỗi khi thấy kiến đen cõng trứng chạy mưa thế này bố hay nói là trời sẽ mưa rào lớn. Đúng là mưa rất lớn nhưng cũng may lại mau tạnh, xua bớt phần nào cái nóng hầm hập và trả lại bầu trời xanh với nắng rực rỡ. Mau mau chạy đi thăm các khu mộ và chụp hình. Ở đây, với tổng số hơn 10 ngàn mộ chí, mộ được phân thành 10 khu chính theo các tỉnh thành lớn và gom những tỉnh nhỏ lân cận lại thành từng khu. Nghĩa trang rộng mênh mông và bạt ngàn bia mộ. Lần đầu tiên thấy cảnh một nghĩa trang có quá nhiều mộ như thế, thật nôn nao… Cuộc chiến nào, dù bên thua hay bên thắng, cũng đều phải trả giá bằng quá nhiều mất mát, mồ hôi, nước mắt và xương máu.

Trời lại bắt đầu có hạt mưa, anh lái xe nói nên đi thôi kẻo không kịp xem các điểm còn lại trước khi mưa tiếp tục sập xuống. Vẫy tay chào mấy bé gái người dân tộc gì không rõ (vì các em nói nghe chẳng hiểu gì) đang chơi trong nghĩa trang với đầu tóc và quần áo te tua lem nhem ướt sũng nước mưa. Các em hồn nhiên quá, ríu rít với nhau như lũ chim non. Tiếc là mình lại không có bánh kẹo, hỏi anh lái xe có nên cho các em chút gì không vì trông các em nghèo tội quá nhưng anh gạt đi, bảo thế sẽ làm hư các em khi sau này gặp du khách vào đây các em sẽ quen chạy theo xin tiền. Hãy để các em thật thà hồn nhiên như người dân tộc vốn thế. Thấy anh nói cũng có lý, mà lên xe rời nghĩa trang vẫn cứ ngậm ngùi…

Trở ra quốc lộ 15 để sang đường 9. Suốt dọc đường xe liên tục phải chạy đua với cơn mưa. Cứ chả ước mưa xuống cho mát nữa đi giờ thì tăng ga chạy. Đường ở đây quá đẹp chỉ tội vắng. Vắng xe thì chạy càng mau, cũng tốt nhưng thấy cứ lo lo dọc đường. Ban nãy ai bảo cứ tìm hiểu cho kỳ được về lý do tại sao đường vắng cho lắm vào. Sang tới đường 9 thì còn đông xe chạy bởi đây là con đường chính nối khu kinh tế – cửa khẩu Lao Bảo với thị xã Đông Hà. Đường có nhiều đoạn rất quanh co, bên vách núi bên là vực sông và cua liên tục. Cơn mưa càng lúc càng đen kịt, đường thế này mà mưa ập xuống thì chỉ có bò ra đường thôi.

_MG_9827 _MG_9831 _MG_9834 _MG_9836

Thế mà bạn Pẹt chẳng mảy may lo lắng, xe chạy êm ru và lại dậy suốt từ 5h sáng nên bạn đã gật gù từ lúc nào. Cơ bản là đoạn đường 9 này bạn đã đi chuyến trước rồi nên cũng không còn tò mò ngó nghiêng như mình. Biết thế thì mời bạn ra ghế sau tha hồ gật gù để mình ngồi trước, ngồi sau khó chụp hình vì cứ vướng cái nọ cái kia. Nhìn biển báo đã sắp tới ngã ba Dakrong, nghĩa là chỉ còn vài chục km nữa là tới các điểm mình muốn tới. Dọc đường thỉnh thoảng lại thấy một xe khách dừng bên đường thả khách xuống vội vã, còn tốp khách ba chân bốn cẳng chạy tọt hết xuống mé sông bên kia như thể sợ xe dừng lâu sẽ kẹt đường. Nghĩ khách cũng đang vội chạy mưa và chắc là thổ dân nhà quanh đây nên luồn đường tắt ven sông về cho nhanh. Nhưng sau khi để ý một vài xe khách với những hành khách rất chi là “phốp pháp” xuống xe cái là ục ịch co giò lao hết cả xuống mé sông một cách không bình thường như vậy mình đâm ra thấy lạ. Sợ hỏi anh lái xe lắm thì làm anh phải nhìn mất tập trung khi xe đang chạy mưa nên mình làm thinh. Nhưng rồi chính anh lại chỉ cho mình thấy khi một xe thả khách ngay trước mặt. Hóa ra toàn khách mang hàng lậu từ cửa khẩu Lao Bảo về. Họ phải xuống hết mé sông lội bộ đường khác để tránh các trạm kiểm soát. Hèn chi khách nào trông cũng như người…vuông với hàng hóa quấn đầy trong người.

_MG_9840 _MG_9841 _MG_9845 Quảng Trị

Rồi nỗi lo của mình cũng được…toại nguyện, qua khỏi ngã ba Dakrong một tẹo thì mưa xối xả, mưa mù mịt, cần gạt nước trên kính gạt không kịp, đường xá chẳng còn thấy gì ngoài mưa trắng xóa. Xe bò ra đường và cái lúc bò này mới thấy xe dồn lại nhiều bởi xe nào cũng thi nhau bò. Sấm chớp oàng oàng loe lóe, mình đang được nếm mùi mưa Trường Sơn… Và rồi như có phép lạ, xe bò lò dò một hồi thì ra tới đoạn đường khô ráo, chẳng mưa gió gì hết. Nhìn trời thấy cơn mưa đen sì lại vẫn còn nguyên ở phía trước, nghĩa là xe mình lại tiếp tục đi vào vùng sắp mưa. Dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp giờ như chắn trước mặt, anh lái xe nói phía bên kia là Tây Trường Sơn. Bên phía Tây trời vẫn nắng, chẳng có biểu hiện gì sắp mưa. Ta đang đi bên Đông Trường Sơn, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt, bên mưa quây…” là đây.

Anh lái xe nói nên lên di tích căn cứ Làng Vây trước bởi trên đó cao hơn. Từ thị trấn Khe Sanh chạy thêm mười mấy cây nữa là tới di tích Làng Vây. Ở Khe Sanh đã lác đác mưa rồi nhưng lên Làng Vây cơn mưa vẫn còn đang trên đường tới. Càng lên gần Làng Vây, Lao Bảo nhà cửa quán xá càng sầm uất trù phú, nhìn vào nhiều tiệm chất ngất đầy các đồ điện tử gia dụng. Đường lụa thênh thang, xe đẹp phóng vun vút… Ở thành phố cũng đừng vội tưởng rằng giàu có tiện nghi hơn ở vùng rừng núi Trường Sơn sát biên giới này.

Quảng Trị Quảng Trị

Di tích Làng Vây được ghi dấu bằng một chiếc xe tăng đặt trên bệ đá hoa cương khá cao có cầu thang đi lên, giữa khung cảnh xung quanh toàn rừng núi. Một tấm bảng đá khác màu gắn trên tường bệ đá có khắc chiến tích của tiêu đoàn xe tăng 198 Binh chủng Tăng thiết giáp đã cùng bộ đội chủ lực và quân dân địa phương tiêu diệt hoàn toàn căn cứ Làng Vây vào ngày 07/2/1968. Công trình di tích được làm lại vào năm 2008 để chào mừng 40 năm ngày đánh thắng trận đấu của binh chủng này và ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Quảng Trị 09/7/1968, hèn gì trông nó mới toanh. Vậy trước đây, du khách lên thăm di tích Làng Vây thì xem gì ở đâu nhỉ? Đứng ngắm cảnh rừng núi một hồi mà chịu chết chẳng thể tưởng tượng được chiến trận xưa kia nó ra sao, chẳng thấy bóng dáng người dân nào qua lại di tích, chỉ có đàn dê hiền lành gặm cỏ ngay dưới chân. Trông trên đỉnh rặng Trường Sơn bên phía Lào trời vẫn nắng, còn trời bên này đã lác đác mưa, xuống núi thôi, còn về Tà Cơn, Khe Sanh cho kịp. Trên xe, anh lái xe hỏi có muốn ra cửa khẩu Lao Bảo một chút không, biết là gần lắm, chỉ cách 3km thôi nhưng bạn Pẹt thì đã ra đó năm ngoái rồi, còn mình tuy chưa tới mà vẫn đành phải từ chối bởi mục đích chuyến đi này là thăm di tích chiến tranh. Trời sắp mưa và sắp tối, vẫn còn điểm cần xem và phải trở về Huế trước khi quá muộn.

Về tới gần thị trấn Khe Sanh thì trời sập mưa như trút. Không chỉ mưa mà sương mù còn giăng mờ mịt như Sapa. Xe lại phải bò ra đường. Gần 4 rưỡi mà trời tối như 6 rưỡi, liệu khu căn cứ sân bay Tà Cơn còn mở cửa nữa hay không? Lưỡng lự nên vào hay thôi phần vì sợ đường núi đầy sương mù dày đặc thế này sẽ nguy hiểm nếu trời càng tối (vì đã từng bị lạc trên Sapa gần chết do sương mù) phần vì vẫn tiếc chả lẽ tới đây mà rồi lại về bỏ qua điểm này. Cuối cùng hạ quyết tâm rẽ vào khi mưa vẫn tuôn xối xả và sét đánh kinh hoàng. Vào tới gần căn cứ thì đột nhiên đường thót lại hẹp như đường mòn độc đạo, hai bên cỏ um tùm mọc cao lút đầu người, nếu có 2 xe ngược chiều nhau thì chắc cảnh hai con dê qua cầu đây. May quá chẳng có “dê” nào ra nên “dê” mình vào được tới cổng. Mấy đồng chí gác cổng đứng ngồi lố nhố trên cửa sổ và thành làn can hành lang bên ngoài di tích trố cả mắt, chắc còn chưa hiểu xe kia vào đây làm gì giờ này trong mưa gió thế này. Bạn Pẹt dũng cảm lao ra mưa trước, mình trong xe tránh nốt cái sét sáng lòa như đánh thẳng vào xe sợ run cầm cập.

Khe Sanh 28-08-2009 Khe Sanh 28-08-2009 Khe Sanh 28-08-2009 Khe Sanh 28-08-2009

Khe Sanh huyền thoại đấy, bạn Pẹt thỏa mãn ước mong nhé. Những ụ cát hầm cát còn kia, những chiếc trực thăng cũng còn kia, vỏ bom đạn cũng còn kia… mưa quá và sét đánh dữ dội nên không thể nào tiếp cận được. Sấm sét liên tục làm chụp hình còn run lệch cả tay. Mà thế có khi lại hay, bởi có thêm “âm thanh ánh sáng” để phần nào tưởng tượng được cảnh bom rơi đạn nổ ác liệt ngày xưa. Không vào được Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 như dự định, nếu như không mưa lớn và có sương mù làm trời mau tối khiến xe phải đi chậm như bò thì chắc mới có thể đi kịp. Người ta hay nói những nơi linh thiêng, đã dự định mà không đi thì lòng sẽ còn áy náy. Đúng là thế, nhưng chuyến này không cố được nữa vì quá muộn rồi, sự áy náy ấy sẽ là động lực thúc đẩy cho chuyến đi lần sau. Rời Khe Sanh trời vẫn mưa không ngớt, bạn Pẹt không quên xin dừng xe để nhảy ra chụp hình Khe Sanh hotel, nơi bạn đã từng ở cùng đoàn cựu chiến binh Hà Nội trong chuyến đi trước. Năm ngoái về bạn cứ cam đoan rằng cái bồn rửa mặt trong nhà tắm ở đây nó rất đặc biệt, ở chỗ là khi rửa mặt trong bồn thì được rửa luôn cả chân vì nước cứ xả thoải mái xuống dưới chân mà không có ống dẫn nước thoát ở đáy bồn. Bạn buồn cười vì lúc đầu tiên vào phòng không biết cái bồn nó thế nên bị ướt hết cả hai ống quần và cứ thắc mắc mãi không hiểu cần lắp cái bồn như vậy để làm gì 😀

Đường 9, khi quay về xe phải đi chiều bên phía bờ vực sông. Lúc trời nắng sáng nhìn núi non hùng vĩ thấy đường 9 đẹp bao nhiêu thì lúc trời mưa mù nhìn rừng núi ảm đạm, dòng sông lổn nhổn đầy những tảng đá lớn nhỏ và tối hun hút sợ bấy nhiêu. Trên triền núi một vài nóc nhà sàn xác xơ nằm xen kẽ trong những vườn chuối. Núi dốc dựng đứng thế kia bà con dân tộc làm cách nào dựng nhà và còn trồng cả chuối được nhỉ? Nếu là trồng kiểu ruộng bậc thang thì còn hiểu được, đằng này nhìn núi dốc tồng tộc, đi không khéo là lăn ùm xuống vực chứ chẳng chơi. Hay họ sinh ra chỉ để sống trên núi cao dốc đứng này thì mới có khả năng trời phú thế được? Nhưng nghĩ giá như họ đừng có “khả năng trời phú” đấy để được chọn sống ở những nơi bằng phẳng tiện lợi thì đỡ hơn chứ nhìn cảnh rừng núi âm u với vài nóc nhà lèo tèo nằm leo cheo không có điện đóm gì kia thấy tội quá, giờ là thế kỷ 21 rồi. Đi đến đâu dọc đường cũng có những cảnh nghèo xác xơ hiển hiện thế này, nghèo như không gì nghèo hơn được nữa…

Đang nghĩ linh tinh thì thấy các xe phía trước đều đi chậm lại và người ta đang xúm xít quanh cái gì đó. Tới gần mới biết là một vụ tai nạn do hai xe đâm nhau, một xe bẹp rúm đầu nằm ngay giữa đường, một xe bắn lệch vào lề đường bên phía núi. Sợ quá, đi đường sợ nhất là nhìn thấy cảnh tai nạn giao thông. Xe mình đã đi đến nơi rồi nhưng vẫn còn cả một đoạn đường dài nữa, lạy trời để chúng con về đến chốn được an toàn. Tới ngã ba Dakrong, anh lái xe rẽ qua cầu chạy vào sâu một đoạn cho khách thăm con đường hữu nghị Vietnam-Cuba, ghi dấu chuyến sang thăm VN và tỉnh Quảng Trị của Chủ tịch Fidel Castro năm 1973. Đoạn đường này nhìn cũng chẳng khác gì các đoạn đường vừa đi qua, chỉ khác là có thêm một cái cột mốc đánh dấu.

Khe Sanh 28-08-2009 Khe Sanh 28-08-2009

Từ Dakrong trở về hầu như dọc đường không chụp hình được nữa bởi đường đã tối hơn nhiều. Xe trở ra QL1A để xuôi hướng Nam về Huế. QL1A giờ này đường nhập nhoạng và nhoang nhoáng anh đèn pha quét ngược. Các tiệm cơm, các trạm bán xăng dầu dọc đường quốc lộ trang trí đèn đóm sáng rực và có nhiều kiểu đèn nhấp nháy nhô ra đường để thu hút khách trông rất buồn cười. Anh lái xe cho biết đang vào giờ cơm tối nên các xe nghỉ ăn cơm và cũng là để tránh né các chốt kiểm soát của CSGT nên xe mình phải tranh thủ chạy. Mình cũng không có ý định dừng ăn tối dọc đường vì kế hoạch là tối nay về Huế đi thưởng thức cơm chay. Đang chạy chợt thấy khói từ đâu tuôn ra dày đặc như có hỏa hoạn, khói kinh khủng chẳng nhìn thấy đường làm xe phải bò từ từ. Cửa đóng kín mà khói xộc vào cả trong xe, thì ra mùi khói đốt rơm rạ. Ra quãng trống mới thấy từng đống từng đống lửa cao đỏ rực, người ta cứ vô tư đốt giữa đồng giữa giời mà chắc chẳng buồn nghĩ khói sẽ bay đi đâu…

Về tới Huế là gần 7 rưỡi tối, kết thúc một ngày thăm Quảng Trị với quãng đường chạy xe hơn 400km. Hơn 40 năm sau khi được giải phóng, Quảng Trị đã thay đổi thật nhiều so với hình ảnh năm xưa trong các bảo tàng và nhà trưng bày di tích. Có đi tận nơi dưới thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở của rừng núi Quảng Trị (dù giờ đường xá đã đẹp hơn rất nhiều) mới càng cảm nhận được sự gian khổ mà con người đã phải chịu đựng trong chiến tranh. Có đến tận nghĩa trang nhìn những quả đồi bạt ngàn trắng xóa bia mộ liệt sĩ mới càng xót xa cho sự hy sinh mất mát để có ngày chiến thắng. Chỉ có niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, vào thống nhất đất nước, vào một tương lai tươi sáng rạng ngời, ấm no giàu có khi đất nước thanh bình mới cho con người ta sức mạnh vô biên để làm nên những kỳ tích trong chiến đấu. Càng thấy thương thế hệ những người lớn tuổi bởi họ đã sống hết mình trong gian khó vì lý tưởng và niềm tin một thời mà rồi tới tận bây giờ biết bao người vẫn chưa hết phải chật vật xoay xở từng miếng cơm manh áo.

Bởi vậy thời tiết nắng nóng hay đường sá xa xôi không làm mình ngần ngại trong chuyến đi lần này. Phải đi một lần để tận mắt thấy được những nơi mà người ta đã từng sống chết cho lý tưởng và niềm tin ngày xưa ấy, dù ở các di tích, có đôi lúc mình hơi thất vọng với cách phục dựng, trưng bày, sắp xếp và quản lý di tích, cảm giác nó chưa thật sự xứng đáng với những huyền thoại lịch sử lẫy lừng như đã được ngợi ca.

Phần 1

2 Comments

  1. December 8, 2009 at 17:38

    bai viet kha chi tiet, hay ghe tham blog cua minh nhe.

  2. Đào Thúy Bình said,

    August 17, 2012 at 12:19

    Em muốn đi tour này muốn hỏi anh thông tin.


Leave a comment